Hướng đi mới từ nông nghiệp hữu cơ

Hướng đi mới từ nông nghiệp hữu cơ

Thực trạng của ngành Nông nghiệp thời gian qua, sau những vụ mùa năng suất cao sẽ lộ rõ nhiều bất cập, hậu quả của việc lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp: Đất đai bạc màu, sâu bệnh tăng… ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cho nên, thời gian gần đây, cả thế giới đều hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, trong đó có nước ta. Xu hướng này được Nhà nước rất chú trọng và khuyến khích, hiện Cà Mau cũng bước đầu đi theo hướng đi này.

Xu thế chung

Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm của tất cả mọi người, đặc biệt là trong giai đoạn đang phát triển như hiện nay. Vệ sinh an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống mà còn quyết định uy tín của thương hiệu sản phẩm thực phẩm. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của một loại thực phẩm được quyết định bởi tất cả các công đoạn mà công đoạn đầu tiên là sản xuất, tiếp đến là chế biến, bảo quản, lưu thông đến tay người tiêu dùng.

Hiện nay, thực phẩm sạch được người dân đặc biệt quan tâm, vì nó liên quan đến sức khỏe con người. Vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất trong rau còn cao, đang là mối lo chung của toàn xã hội. Tình trạng lạm dụng, dùng nhiều quá mức cần thiết thuốc bảo vệ thực vật, vẫn còn xảy ra thường xuyên tại một số địa phương, ảnh hưởng lâu dài tới môi trường sống, nguồn nước ngầm và đất đai.

Nông nghiệp hữu cơ đang dần hiện hữu với mô hình sản xuất lúa - tôm theo hướng VietGAP của nông dân xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau).

Nông nghiệp hữu cơ đang dần hiện hữu với mô hình sản xuất lúa – tôm theo hướng VietGAP của nông dân xã Lý Văn Lâm (TP. Cà Mau).

Để khắc phục những nhược điểm trên, ngành Nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trên thị trường, người dân đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch: Rau sạch, rau an toàn và một số hoa quả, thực phẩm an toàn; ở Cà Mau, nhiều mô hình hình thành theo xu hướng sạch, hữu cơ đang dần hiện hữu. Nông nghiệp hữu cơ là hình thức canh tác nông nghiệp tránh hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng và các chất phụ gia trong thức ăn gia súc. Nông nghiệp hữu cơ chính là giải pháp lớn để hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch.

Mục đích hàng đầu của nông nghiệp hữu cơ là tối đa hóa sức khỏe và năng suất của các cộng đồng độc lập về đời sống đất đai, cây trồng, vật nuôi và con người. Vai trò của nông nghiệp hữu cơ, dù cho trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật, từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất cho đến con người.

Người tiêu dùng chọn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vì sản phẩm hữu cơ không có chất kích thích tăng trưởng, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Rau quả hữu cơ có vị ngon hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và bảo quản được lâu hơn; chứa nhiều chất chống oxy hóa có tác dụng chống các bệnh ung thư hơn các loại thực phẩm canh tác theo phương thức thông thường.

Chuẩn bị cho hướng đi bền vững

Sự khác biệt rõ nhất giữa các loại sản phẩm hữu cơ với sản phẩm sạch, an toàn khác là quy trình sản xuất: Sản xuất các sản phẩm hữu cơ không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học, nguồn thức ăn trong chăn nuôi là nguồn thức ăn tự nhiên. Trong khi quy trình sản xuất rau quả và sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn vẫn sử dụng một số lượng nhất định thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, thức ăn tăng trọng và các chất kích thích trong chăn nuôi.

Năm 2018, tỉnh Cà Mau đã phối hợp với doanh nghiệp thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp hữu cơ, với 50ha tại xã Trí Lực (huyện Thới Bình). Thời gian đầu thực hiện gặp nhiều khó khăn do nông dân chưa quen và thích nghi với mô hình và đến năm 2019, đã phối hợp 3 doanh nghiệp để nhân rộng và xây dựng mô hình vùng nguyên liệu sản xuất lúa tôm hữu cơ. Đến nay, đã có 380ha lúa hữu cơ đạt các tiêu chuẩn; đó là minh chứng cho bước đầu hình thành và phát triển ngành nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở Cà Mau. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng 13 nhãn hiệu tập thể hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù của Cà Mau. Cụ thể, Cà Mau đang hướng đến xây dựng chỉ dẫn địa lý tôm sú, cua và đang xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Lúa sạch Thới Bình”, “Lúa sinh thái”.

Nông dân Cà Mau đang hướng dần theo phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và nông nghiệp thông minh.

Nông dân Cà Mau đang hướng dần theo phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch và nông nghiệp thông minh.

Theo ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau thì khi phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các mô hình, ngành chức năng tổ chức thực hiện theo chuỗi khép kín. Phải có một doanh nghiệp tham gia đầu tư từ đầu đến cuối và bao tiêu sản phẩm; cơ quan quản lý nhà nước tập trung hỗ trợ cho chuỗi giá trị này; có vậy thì mô hình mới mang lại hiệu quả bền vững được.

Năm qua, đã có 22 doanh nghiệp ký kết 61 lượt hợp đồng hợp tác phát triển chuỗi giá trị ngành hàng tôm với 15 hợp tác xã, tổ hợp tác, với khoảng 800 hộ dân Cà Mau. Những hợp đồng liên kết này không chỉ để cung ứng vật tư đầu vào gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mà còn cùng nhau xây dựng vùng nguyên liệu có chứng nhận quốc tế. Tuy vậy, khó khăn là hệ thống thủy lợi hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, khả năng huy động các nguồn vốn tín dụng phục vụ sản xuất còn thấp, công tác tổ chức còn manh mún, việc ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất thực tế vẫn còn hạn chế.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau nhận định, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau dù có lợi thế nhưng vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, tỉnh Cà Mau đã có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu chất lượng trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người sản xuất “gặp gỡ” doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu để sản phẩm lưu thông tốt.

Trong thời gian sắp tới, tỉnh Cà Mau sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, như trích ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý chất thải và công nghệ thông tin, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, vào khâu sản xuất giống, chế biến thủy sản, nông sản và lâm sản… tăng tích lũy, tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn; trong đó, tỉnh Cà Mau sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng cho 4 ngành hàng chủ lực là tôm, cua, lúa và gỗ, gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Ngoài ra, để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Cà Mau còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác như tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất…

Để phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái, thiết nghĩ tỉnh cần đẩy mạnh sản xuất, liên kết theo chuỗi, Nhà nước phải hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua cơ chế chính sách; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất, chính quyền địa phương, thay đổi tập quán sản xuất, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, làm sao để người dân có trách nhiệm với những sản phẩm mình làm ra.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi mà tỉnh Cà Mau đang hướng tới. Bởi ngoài mục đích phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp, thì việc gia tăng các giá trị từ nông nghiệp, có sức hút đối với thị trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập mạnh mẽ như hiện nay đang là động lực to lớn thúc đẩy nền kinh tế – xã hội tỉnh Cà Mau phát triển.
Nguồn: https://baoanhdatmui.vn/tin-tuc/kinh-te-3/huong-di-moi-tu-nong-nghiep-huu-co-29481.html

Để lại bình luận

Scroll
0798305302