Nông nghiệp hữu cơ hội nhập thị trường

Lâm Đồng là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ngành nông nghiệp của tỉnh đang hướng đến phát triển thị trường, phát triển chuỗi và mở những hợp đồng kinh tế lớn.

Khai mở thị trường

Ở Lâm Đồng, những thuận lợi từ điều kiện tự nhiên đến con người đã biến nơi này thành vùng trồng trọt, chăn nuôi có ưu thế hàng đầu của cả nước.

13-58-35_nh_1_nong_nghiep_huu_co
Lâm Đồng có nhiều lợi thế để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Suốt thời gian qua, nhiều loại nông sản của tỉnh không chỉ chiếm thị phần lớn trong nước mà còn lấn ra thị trường quốc tế. Một cán bộ của tỉnh chia sẻ, dù ở thị trường nào, chất lượng nông sản cũng là yếu tố hàng đầu trong việc quyết định sự sống còn của DN.

Ông thổ lộ: “Trong tương lai, người dân sẽ thay đổi tư duy trong việc lựa chọn đồ ăn, thức uống. Ngoài tiêu chí ngon, đủ chất dinh dưỡng… họ sẽ hướng đến tiêu chí an toàn và vì thế, nông sản càng thuần tự nhiên càng có giá trị”.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất trù phú của huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), ông Nguyễn Quốc Thắng kế thừa tinh hoa của người cha trong trồng trọt. Tuy nhiên, vẫn khu vườn ấy, vẫn trồng những loại cây cũ nhưng lại ở một phương thức hoàn toàn khác để giá trị nông sản tăng gấp 3 lần.

Ông Thắng là một trong những nhà nông đầu tiên phát triển mô hình hữu cơ ở xứ rau Đơn Dương. Năm 2007, khi từ “nông nghiệp hữu cơ” còn khá mới mẻ ở địa phương thì ông đã trồng 3.000m2 xà lách, ớt chuông và cà chua theo hữu cơ.

Đầu tư 100 triệu đồng cho 3 sào vườn nhưng năm đó, cái mà ông thu được không phải là nông sản “đẹp” mà là sự thất bại. Ông kể: “Hồi ấy tôi cải tạo đất và làm vành đai rất kỹ nhưng do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sâu, bệnh trên cây nhiều. Nấm hại lá, bệnh phấn trắng lây lan kinh khủng và cây còi cọc rồi chết và chả thu lại đồng nào”.

13-58-35_nh_2_nong_nghiep_huu_co
Thị trường có xu hướng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và đây là cơ hội cho ngành nông nghiệp Lâm Đồng.

Thiệt hại nặng nhưng nông dân này không từ bỏ và tiếp tục học hỏi và rồi bắt tay vào làm lại. Năm 2008, vườn cây hữu cơ 3.000m2 của gia đình được chăm sóc cẩn thận hơn và dịch bệnh, sâu bọ cũng được kiểm soát.

“Một vấn đề lớn tôi gặp phải thời điểm đó chính là thị trường. Giá thành sản xuất cao nên rau, quả làm ra cũng phải bán với giá cao để thu hồi vốn. Do vậy, người dân, doanh nghiệp không mua nên số nông sản ấy chỉ biết để ăn, cho người thân, cho bạn bè sử dụng hoặc chấp nhận bán với giá ngang rau ngoài chợ”, nông dân Nguyễn Quốc Thắng thổ lộ.

Sau nhiều năm gắn bó, cuối cùng, ông Thắng cũng tìm được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm và con đường phát triển rau hữu cơ ngày càng mở rộng. Đến nay, gia đình ông đã nâng quy mô sản xuất lên 7,5ha, trong đó có 4,5ha rau thành phẩm, 3ha còn lại là vùng đệm và vườn ươm để cung cấp giống cho người dân trong vùng. Nguồn nông sản sạch từ nông trại của ông hiện đang được tiêu thụ bởi các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong nước.

Là nông dân nhưng ông Thắng có trình độ ngoại ngữ và có thể giao tiếp, làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Thỉnh thoảng, trang trại lại xuất hiện những người Nhật Bản, người Hàn Quốc hoặc người Mỹ. Trong số này có chuyên gia nông nghiệp, có thương nhân và cũng có cả người làm vườn đi học hỏi kinh nghiệm.

Ông thổ lộ: “Người nước ngoài họ tư duy lớn về nông nghiệp hữu cơ, đặc biệt là người Nhật Bản. Những người đến trang trại của tôi đều chia sẻ rằng, Organic là xu hướng phát triển trong tương lai và đó là cơ hội để nhà vườn phát triển”.

Nguồn: https://nongnghiep.vn/nong-nghiep-huu-co-hoi-nhap-thi-truong-d255012.html

Để lại bình luận

Scroll
0798305302